Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

TRÍ THỨC VIỆT ĐANG TRỞ LẠI CHÍNH MÌNH - TỄU'S BLOG



TRÍ THỨC VIỆT NAM ĐANG TRỞ LẠI CHÍNH MÌNH

TRÍ THỨC VIỆT NAM ĐANG TRỞ LẠI CHÍNH MÌNH
Đào Tiến Thi
Thời xã hội Việt Nam dưới chế độ phong kiến, trí thức không phải một lực lượng độc lập. Nền Nho giáo cùng thiết chế của chế độ phong kiến tạo ra một lớp người gọi là “sỹ” (sỹ hoạn, sỹ phu, kẻ sỹ, sỹ quân tử), họ vừa là người có học, vừa là người được vua ban cho chứctước để làm nhiệm vụ “chăn dân”. Như vậy, chỉ trừ những ông đồ không đỗ đạt, chấp nhận “tiến vi quan, thoái vi sư”, trừ một số ít kẻ sỹ đỗ đạt nhưng “treo ấn từ quan” về ở ẩn, thì suốt gần một nghìn năm, trí thức Việt Nam gắn chặt với bộ máy thống trị của giai cấp phong kiến. Cho nên họ là trí thức cũng đồng thời là quý tộc. Tất cả quyền lợi của trí thức – quý tộc được hưởng đều được coi là “ơn mưa móc” của nhà vua.

Tuy nhiên do có quá trình miệt mài học tập và tu dưỡng, một số trí thức – quan lại đã vượt lên vị trí nô bộc, sẵn sàng từ bỏ bổng lộc để trở thành những nhà phản biện “cứng đầu” ngay trong lòng chế độ chuyên chế. Đấy là trường hợp của những Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,... thậm chí trở thành “đầu đảng giặc” – tức lãnh tụ nông dân khởi nghĩa như trường hợp Cao Bá Quát.  

Từ khi trở thành thuộc địa của Pháp, xã hội Việt Nam chuyển biến theo con đường hiện đại hoá, và tầng lớp trí thức dần dần hình thành. Tuy rằng nhỏ bé, nhưng họ đã tồn tại như một lực lượng độc lập – tức là một lực lượng sản xuất của xã hội (chứ không phải lực lượng thống trị hay ăn bám vào lực lượng thống trị), do đó họ không phải chịu ơn “mưa móc” của nhà nước. Đó là các luật sư, bác sỹ, kỹ sư, nhà văn, nhà báo, nhà giáo,... Tất nhiên trong số này, vẫn có nhiều người ở trong biên chế bộ máy hành chính nhà nước, nhưng họ được độc lập về tư tưởng, vì không phải độc tôn một chủ thuyết nào, không bị áp đặt buộc phải tham gia một đảng phái nào. Pháp luật cũng đảm bảo cho họ những quyền tự do tối thiểu.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam (từ đây gọi tắt là Đảng) thành lập và từ đó lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước về sau. Thuở ban đầu, thành phần Đảng chủ yếu là trí thức. Lãnh tụ Hồ Chí Minh – người sáng lập và đứng đầu Đảng trong gần 40 năm – là một nhà văn, nhà báo có tài. Ông Trần Phú – Tổng bí thư đầu tiên của Đảng là một nhà giáo. Trước đó, ông hoạt động trong tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng, một tổ chức cách mạng của trí thức thời ấy, cùng với các nhà trí thức khác như Hà Huy Tập (nhà giáo), sau này cũng có thời gian làm Tổng bí thư Đảng, cùng với Phan Đăng Lưu (kỹ sư canh nông), sau trong Ban chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách Xứ uỷ Nam Kỳ.

Trong suốt thời kỳ làm cách mạng giải phóng dân tộc (1930 – 1945), qua kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), Đảng thu hút được hầu hết trí thức do chế độ thuộc địa để lại, trong đó có những trí thức sáng giá, ở tầm quốc tế như  Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng,... và đông đảo lớp văn nghệ sỹ Tiền chiến tài năng (Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Tô Ngọc Vân, Văn Cao,...). Đến kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), ngoài lớp trí thức Tiền chiến vẫn tiếp tục phụng sự, Đảng còn lôi kéo được một số trí thức trong lòng chế độ Sài Gòn.

Bài này không có mục đích phân tích mối quan hệ giữa trí thức và Đảng. Điểm qua như trên chỉ để thấy: thời kỳ đầu, Đảng tuy tôn chỉ là “đảng của giai cấp vô sản” nhưng thực ra là một đảng dân tộc và lực lượng nòng cốt của Đảng là trí thức mang tinh thần dân tộc (chứ không phải công nhân mang ý thức hệ “vô sản”)

Tuy nhiên, càng về sau, khi đã nắm quyền tuyệt đối, Đảng dần dần chuyển sang ý thức hệ cộng sản của phe cộng sản, độc tôn chủ nghĩa Marx – Lenin (thực ra cũng không còn là Marx – Lenin nguyên bản, mà là tư tưởng Stalin, tư tưởng Mao Trạch Đông). Trí thức muốn tồn tại phải “vô sản hoá”, về sau thì “Đảng hoá”. Trí thức không còn tự do tư tưởng khi đã đặt học thuyết Marx – Lenin làm cơ sở cho tư duy và nhận thức. Về nhân thân, nếu trí thức không vào Đảng, thì cũng chưa được coi là trí thức chính danh, vì không đạt tiêu chuẩn “vừa hồng vừa chuyên”. Không chính danh thì không có cơ hội cống hiến, kể cả cơ hội làm khoa học. Về tác phong sinh hoạt, trí thức phải từ bỏ “lối sống tiểu tư sản”. v.v..

Trong bối cảnh ấy, bất cứ nhà trí thức nào, dù là những “cây đa cây đề”, nếu nói khác tiếng nói chính thống (Đảng), làm khác chính thống, sống khác chính thống đều bị coi là “có vấn đề”, nhẹ thì là dạng “dao động”, nặng thì thành “phản động”. Ấy là bi kịch của những Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang và của rất nhiều văn nghệ sỹ trong cái gọi là “Nhóm Nhân văn giai phẩm”.

Trí thức dần dần mất hẳn tiếng nói độc lập. Những ai còn chút máu “kẻ sỹ”  đôi khi vẫn trình bày ý kiến của mình, nhưng phải “lựa lời”, “lựa thời” sao cho thật khéo để may ra vừa cải thiện tình hình vừa không không gặp nạn. Nói như Nguyễn Minh Châu là “muốn nói một câu trung cần phải có ba câu nịnh”.
Hậu quả thật là buồn tẻ. Ngoài số mà nhân dân tặng cho danh hiệu trí nô (chỉ biết ăn theo nói leo nhà cầm quyền), phần đông trí thức đã trở thành một thứ công chức, đơn thuần làm công ăn lương, “sớm vác ô đi tối vác về”. Từ khi có kinh tế thị trường, một bộ phận lao ra làm giàu, tự bưng tai bịt mắt về chính trị.

Hậu quả là tuy khổng lồ về số lượng[1] nhưng trí thức không những lơ mơ về khoa học mà còn dửng dưng trước các vấn đề sống còn của đất nước. Điều này thật trái quy luật. Từ thời phong kiến, nước mạnh là nhờ có mưu sỹ, vua không phạm sai lầm là nhờ có gián quan. Trí thức nô bộc, trí thức dửng dưng, trí thức vụ lợi báo hiệu thảm cảnh của đất nước. Đảng muốn trí thức phụ thuộc hoàn toàn vào Đảng, nhưng “theo Đảng” kiểu ấy, chính trí thức đã góp phần không nhỏ làm Đảng suy yếu.

May mắn thay, trong mấy năm qua, một bộ phận trí thức đã nhận thấy tình thế nguy hiểm của đất nước mà 3 quốc nạn trực tiếp nhất là nạn tham nhũng, nạn lạm quyền và nạn ngoại xâm, cho nên từ sự thức tỉnh, họ đã dần dần dấn thân vì tiền đồ dân tộc.
Từ khoảng 2007 – 2010, đã bắt đầu có những phản biện lẻ tẻ của một số trí thức “lề trái” và một số hoạt động nghị trường của các trí thức “lề phải”. Năm 2009, lần đầu tiên có một bản kiến nghị của đông đảo trí thức về khai thác bauxite Tây Nguyên, và sang năm 2010 lại tái kiến nghị khi xảy ra thảm hoạ bùn đỏ ở Bungaria. Nếu như năm 2009, đông đảo trí thức can ngăn về việc tạm chưa xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhưng không thành thì năm 2010 họ lại can ngăn không nên xây dựng đường sắt cao tốc, và lần này đã thành công. Tuy đó là kết quả bỏ phiếu của Quốc hội nhưng chính nhờ họ đã lắng nghe những ý kiến phản biện của trí thức và trong Quốc hội cũng có những nhà trí thức sáng giá, chẳng hạn GS. Nguyễn Minh Thuyết.

Sang năm 2011, có thể nói đây là một năm thức tỉnh của trí thức, bắt đầu từ sự kiện chủ quyền quốc gia bị xâm phạm nghiêm trọng. Từ hai vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta (đầu mùa hè 2011), đã bùng lên phong trào biểu tình chống xâm lược. Linh hồn các cuộc xuống đường này là các trí thức danh tiếng như các Giáo sư Nguyễn Đinh Đầu, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Nguyên ngọc, các nhân sỹ Sài Gòn vốn là các lãnh tụ sinh viên xuống đường từ trước 1975 như Luật gia Lê Hiếu Đằng, Bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫm, ông Lê Công Giàu,.... Bản Tuyên cáo của trí thức về việc Trung Cộng gây hấn được thanh niên Nguyễn Văn Phương đọc ngay tại thềm Nhà hát Lớn trong cuộc biểu tình ngày 7-7-2011. Tiếp theo đó các trí thức lại soạn thảo Kiến nghị 1107 về bảo vệ và xây dựng đất nước. Cũng năm 2011, gần hai nghìn người đã ký vào bản kiến nghị yêu cầu trả tự do cho TS. Cù Huy Hà Vũ  do các trí thức khởi xướng.

Tuy nhiên, năm 2012 mới thực sự là năm dấn thân của trí thức Việt Nam. Gọi là dấn thân vì nó diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn nguy hiểm. Vì sao nguy hiểm thì có lẽ không cần nói. Năm 2012 số tù nhân lương tâm tăng vọt. Những tiếng nói yêu nước, đòi công bằng, công lý đều phải trả giá. Nhưng không vì thế mà lương tri không lên tiếng. Trái lại tiếng nói của lương tri ngày càng mạnh. Ngay những ngày đầu năm, hàng loạt trí thức đã lên tiếng về vụ cưỡng chế đất sai trái ở Tiên Lãng, biện hộ cho hành động chống trả của anh em Đoàn Văn Vươn và  kêu gọi quyên góp giúp các nạn nhân của vụ cưỡng chế, đồng thời gửi Kiến nghị khẩn cấp đến Viện Kiểm sát ND Hải Phòng.
Ngay tiếp đó là Tuyên bố Văn Giang sau khi xảy ra vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang (24-4-2012) chấn động dư luận thế giới.

Vào giữa mùa hè 2012, trước hành động láo xược của nhà cầm quyền Trung Cộng – mời thầu 9 lô dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế Biển Đông của Việt Nam – trí thức Hà Nội và Sài Gòn lại cùng nhân dân xuống đường phản đối. Tuy nhiên, khác mùa hè năm 2011, mùa hè này, chính quyền Hà Nội chỉ “thả” cho hai cuộc đầu, sau đó ra tay đàn áp, đặc biệt là cuộc 5-8. Còn chính quyền TP. Hồ Chí Minh ra tay chặn bắt gắt gao ngay từ cuộc đầu (1-7). Nhưng ngày 27-7-2012, 42 vị nhân sỹ, trí thức Sài Gòn đã ra văn bản Đề nghị biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc gửi đến các nhà chức trách Thành phố. Đề nghị không được chấp nhận, nhưng đó là một bước công khai để biến việc bảo vệ Tổ quốc từ tự phát thành tự giác, bác bỏ khẩu hiệu “đã có Đảng và Nhà nước lo”.

Ngày 14-10, sinh viên Nguyễn Phương Uyên (ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) bị bắt một cách bí mật, cho đến tận 19-10 mới có quyết định khởi tố với những chứng cớ tội danh không rõ ràng mà theo dư luận thực chất chỉ vì em bày tỏ sự phản đối hành động xâm lược của Trung Cộng. Bức xúc trước tình trạng một sinh viên yêu nước bị bắt vô lý, ngày 30-10, 144 trí thức gửi Thư khẩn lên Chủ tịch nước. Bức thư rất dài, không những phản đối việc bắt giữ Phương Uyên mà còn phản đối việc đàn áp người yêu nước nói chung, đặc biệt là đối với thanh niên yêu nước. Trước áp lực đó, chí ít Công an Thành phố và Công an Long An đã buộc phải làm một việc là ra họp báo công khai (3-11-2012).

Vào những tháng cuối năm 2012, Trung Cộng lại gia tăng các hành động gây hấn trên Biển Đông. Sau các vụ cho hàng nghìn tàu cá xâm phạm vùng biển của Việt Nam vào các tháng 7 và 8, ngày 30-11, chúng lại “làm đứt” cáp (theo cách nói của báo chí chính thống) tàu thăm dò dầu khí Bình Minh của ta. Ngày 6-12-2012, năm vị đứng đầu “nhóm 42” nói trên là các ông Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Tương Lai lại ra bản Thông báo, thực chất là công khai kêu gọi biểu tình chống xâm lược. Về sự kiện này, chủ blog Ba Sàm bình luận: “Một bước đột phá trong thủ tục pháp lý đối với một quyền hiến định nhưng vẫn bị vi phạm (...). Thông báo, chứ không còn là xin xỏ”. Về việc này, riêng ông Hồ Ngọc Nhuận, Phó chủ tịch MTTQVN của Thành phố còn ra một bản Tuyên bố của cá nhân ông.

Ngày 25-11, ba ngày sau khi báo chí loan tin nhà cầm quyền Trung Cộng cho in hình lưỡi bò vào hộ chiếu, các trí thức ra ngay bản Tuyên bố phản đối và thu thập chữ ký, sau đó có hàng loạt bài phân tích sự vô lý của nó và cùng nêu giải pháp “cắt” đường lưỡi bò.

Những ngày cuối năm 2012 mới thực sự là những ngày hoạt động sôi nổi của trí thức Việt Nam. Nếu tính theo dương lịch, thì có 2 sự kiện lớn: Lời kêu gọi thực thi quyền con người (25-12) và việc Nghệ sỹ Kim Chi từ chối bằng khen của Thủ tướng (28-12). Lời kêu gọi thực thi quyền con người do 82 nhân sỹ trí thức khởi xướng (đến 27-1-2013 có 3536 người ký). Trọng tâm của Lời kêu gọi là bác bỏ Điều 88 của Bộ luật Hình sự và Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Những người khởi xướng cho rằng Điều 88 (về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”) là vi phạm quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp và trái với tinh thần Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945. Còn Nghị định 38 (cấm tụ tập đông người) là một nghị định nhằm vô hiệu hoá quyền biểu tình của công dân đã được Hiến pháp thừa nhận.

Việc Nghệ sỹ Kim Chi từ chối bằng khen của Thủ tướng đã dấy lên một luồng dư luận sôi nổi, rất nhiều người ca ngợi dũng khí của nghệ sỹ Kim Chi và nhiều người từ đây bàn về nhân cách văn nghệ sỹ ngày nay.

Nếu tính theo âm lịch thì trước khi kết thúc năm Nhâm Thìn còn có một sự kiện “động trời”: Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp. Nhưng trước khi nói về Kiến nghị tập thể này, cần nhắc đến hai bài viết “nảy lửa” của GS.VS. Toán học Hoàng Xuân Phú. Với bài Hai tử huyệt của chế độ, tác giả đã đặt trọng tâm sửa đổi Hiến pháp phải nhằm vào Điều 4 (Đảng lãnh đạo) và Điều 17, 18 (Quyền sở hữu đất), những điều đặc biệt hệ trọng nhưng lâu nay vẫn coi là vùng cấm, vùng “nhạy cảm” ít ai dám động đến. Bài Teo dần quyền con người trong Hiến pháp, với cách phân tích tinh vi, tác giả cho ta thấy các quyền con người (Điều 50) trong Hiến pháp 1992 vốn đã mong manh càng trở nên hư ảo hơn trong Hiến pháp sửa đổi (Điều 21, 35); các điều 71 (Quyền bất khả xâm phạm về thân thể), 74 (Quyền khiếu nại tố cáo) sẽ trở nên thoi thóp trong Điều 22, 31, 32 của Hiến pháp sửa đổi. Một số quyền khác như Tự do tôn giáo, Tự do ngôn luận, Biểu tình,... trong Hiến pháp sửa đổi trở thành các quyền “chim treo trên lửa” hoặc “cá nằm dưới dao” khi kèm theo nó là các cụm từ “cấm lợi dụng”, “không được lợi dụng” một cách chung chung, không có quy định rõ ràng; nghĩa là, nếu công dân nào thực hiện các quyền này đồng nghĩa với mắc vòng lao lý!     

Trở lại với Kiến nghị sửa đổi hiến pháp 1992. Kiến nghị do 72 nhân sỹ, trí thức khởi thảo, được đưa lên mạng ngày 22-1-2013 và ngày 4-2-2013 chính thức được 15 vị đại diện đem đến trụ sở tiếp dân của Quốc hội, 37 Hùng Vương, trao tận tay ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Ban Biên tập dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.

Trong 72 chữ ký lần này, ngoài những nhân sỹ trí thức lớn quen thuộc đã ký kiến nghị nhiều lần, còn thấy có cả những trí thức hàng đầu của “lề phải”, như Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UBGDTTN của Quốc hội, GS. Hồ Ngọc Đại, nhà giáo dục học nổi tiếng, nguyên Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm Giáo dục Giảng Võ.

Chưa nói nếu đọc toàn văn Dự thảo Hiến pháp sửa đổi do nhóm nhân sỹ trí thức đưa ra gửi kèm Kiến nghị, chỉ đọc nội dung Kiến nghị, ta sẽ thấy, ngoài kiến nghị thứ 7 – kéo dài thời hạn góp ý –  thì cả 6 nội dung đều mới, mới đến mức mà những người yếu bóng vía phải lắc đầu lè lưỡi biểu thị sự sợ hãi: sao các ông dám làm chuyện động trời vậy? Tuy nhiên bình tĩnh một chút thì sẽ thấy những nội dung ấy vốn là bình thường ở các nước dân chủ và người ta đã thực hiện lâu lắm rồi. Ta cũng mệnh danh là một nước dân chủ thì lý gì lại đi tìm một thứ dân chủ “gấp vạn lần dân chủ tư sản” mà đến giờ mò mẫm mãi không ra? Không những không ra mà xã hội ngày càng mất dân chủ. Đổ ra núi xương sông máu làm gì để nước độc lập mà dân không có quyền và cái độc lập cũng đang ngàn cân treo sợi tóc trước tham vọng ngày càng lớn của nhà cầm quyền Trung Cộng, kẻ tham vọng và hung hãn hơn tất cả các triều đại phong kiến Trung Hoa?
Viết đến đây xin quý độc giả lượng thứ, rằng người viết bài không có ý tổng kết các hoạt động của trí thức, mà chỉ viết theo kiểu nhớ đâu viết đấy. Cũng có nhiều sự kiện nhớ nhưng không thể đưa vào vì dung lượng bài đã dài. Chỉ nêu thêm ở đây hoạt động của Câu lạc bộ bóng đá No – U của các bạn trí thức trẻ cùng các cổ động viên đủ mọi lứa tuổi của họ là một hiện tượng rất đáng trân trọng. Đội No – U đã duy trì hoạt động suốt từ mùa thu năm 2011 đến nay. Khi biểu tình đã bị dẹp gắt gao thì No – U chính là nơi các bạn trí thức trẻ chia sẻ và thể hiện lòng yêu nước. Mặc dù “lực lượng chức năng” luôn tìm cách ngăn cản, doạ dẫm, mặc dù từ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vẫn luôn phát ra những lời “nhắc nhở” chính phủ Việt Nam về hoạt động “chống phá” (Trung Quốc), nhưng đội No – U vẫn có cách tồn tại và vẫn ra sân đều đều mỗi chủ nhật hằng tuần. Thật đáng phục các bạn trí thức trẻ No – U.

Trên kia chúng tôi đã đặt vấn đề về sự thức tỉnh và dấn thân của trí thức. Tất nhiên đấy là một cách nhìn. Người viết bài này biết rằng đến nay phần đông trí thức Việt Nam vẫn dửng dưng và thậm chí coi những người dấn thân là “điên”, là “dở hơi”. Người viết bài này cũng đã từng nhận được giọng cười vừa mỉa mai vừa thương hại của nhiều người. Họ luôn bảo: “Có ai nghe đâu. Đấy rồi xem!”. Nhưng chúng tôi nghĩ khác. Xin lấy câu nói của Trương Định ngày xưa để bày tỏ: “Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta”. Thấy lẽ phải thì cứ làm, phải làm, nên hư lại là chuyện khác.

9-2-2013 (Đêm Ba mươi Tết)

ĐTT

Nguồn: TỄU'S BLOG

(Thấy hay ta kéo về nhà).

Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

LỄ TRỪ TỊCH - CÚNG GIAO THỪA

Xuân đã tràn về khắp nơi. Lòng người vui tươi chờ đón một năm mới thật nhiều điều mới, may mắn, sức khỏe và tài lộc.

Tuy Tết là ngày để ăn chơi, nhưng cũng không nên quên đi những lễ nghi truyền thống làm nên phong vị rất riêng của tết Việt.

Ngố đã cất công đọc và sưu tầm những bài văn khấn theo các tiết lễ cụ thể, trình tự. Xin được đăng lên cho mọi người cùng đọc và chia sẻ.

Trừ: Trao lại chức quan
Tịch: Ban đêm.



Lễ trừ tịch được cử hành lúc giao thừa. Lúc hết giời Hợi sang giờ Tý - cũ mới tiếp nhau, bắt đầu sang ngày khác.
Lễ này là để tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới. Cũ giap lại công việc, mới tiếp nhận.

Tục xưa tin rằng, mỗi năm có một vị hành khiển coi việc nhân gian, mỗi vị có tên riêng với vương hiệu và cũng gọi là đương niên chi thần (mỗi vị có một phụ tá là phán quan). Có 12 vị hành khiển luân phiên từ năm Tú đến năm Hợi là 12 năm. Hết lượt lại quay trở lại.

Hành khiển có ông Thiện, có Ác. Có năm trời gây ra thiên tai, hạn hán, mất mùa, đói kém, hay dịch tễ chết hại, là do sớ tấu của hành khiển trừng phạt vua quan không có nhân chính hay dân ăn ở còn dở. Bởi vậy lễ giao thừa là lễ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên Đán. Người ta cũng lễ ở ngoài trời và trong nhà.

Sắp đến giờ lễ giap thừa, gia định chuẩn bị lễ vật đúng đến 12 giờ đêm lễ được tiến hành.

Lễ vật cúng ngoài trời: Ngoài những phẩm vật không thể thiếu: hương, nến, trầu, cau, rượu ... còn có lễ mặn: thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng, được chuẩn bị sẵn sàng, bày lên bàn hay mâm kê cao.

Đúng thời điểm giao thừa, gia thủ thắp đèn hương rồi khấn. Nếu viết văn khấn giấy để đọc thì ngay sau khi đọc xong sẽ hóa (đốt) cùng tiền vàng dâng cúng.

VĂN KHẤN TRỪ TỊCH:

Nam mô A - di - đà Phật (3 lần).
Lạy 9 phương trời mười phương đất
Lạy chư Phật mười phương
Lạy đương niên thiên quan ... năm ...
Lạy: Đông phương Thanh đế
Bắc phương Hắc đế
Nam phương Hồng đế
Tây phương Bạch đế.

Lạy Đông trù tư mệnh, Táo chủ thần quân, Long mạch, thổ thần, cập thổ chư vị thần tài mới bái.
Tín chủ tên là: ...
Ngụ tại: Thôn ... xã ... huyện, tỉnh ... nước Việt Nam
Lòng thành sắm lễ
Hương đăng, trà, quả
Tiền vàng cánh sớ
Phẩm, vật chi nghi
Nhân phút thiêng liêng giao thừa đã tới.
Pháo nổ vang lừng đón tiết đầu xuân,
Cầu mong vạn lượng canh tân.
Tam dương khai thái cung trần lễ nghi.
Nguyện tôn thần phù trì bảo hộ
Cầu anh linh tiên tổ lưu ân.
Ban cho can cháu hạ trần
Anh linh khang thái muôn phần tốt tươi
Thiều quang chiếu rọi sáng ngoài
Đầu năm chí cuối mọi người đều an
Có được sức khỏe lâu bền
Tâ tâm, tích đức, được nên danh phần.
Bốn mùa thu, hạ, đông, xuân.
Làm ăn phát đạt bớt phần nguy nan
Những điều tai vạ trái ngang
Ơn trời phù hộ tiêu tan tức thì
Điều lành mang đến, điều dữ bỏ đi
Dam xin sám hối bù trì cho con
Một lòng theo đạo sắt son
Sống trên dương thế để còn tu tâm
Nam mô A - di - đà Phật (3 lần).

Sau khi làm lễ dâng hương ngàoi trời xong thì gia chủ vào làm lễ dâng hương tổ tiên.

Khi hóa vàng mã quý gia chủ lưu ý hóa hoạn trong tiết trời hanh khô.

Năm mới, xin được gửi lời chúc mừng năm mới tới toàn thể quý bằng hữu gần xa.

(Phong tục tập quán Việt Nam - Vũ Mai Thùy biên soạn - NXB Văn hóa thông tin).

Ngố!

VÌ SAO HƠN 1 TỶ NGƯỜI NGHIỆN FACEBOOK?

Câu chuyện bắt đầu như sau:

- Đã thích (like) ảnh tớ mới tải lên (post) lên Facebook chưa?
- Có thật à? Chưa xem, đợi vài giây nhé!
- Nhanh lên, nhanh lên đi, chẳng có ai like buồn quá, buồn quá ...
- Mấy trăm likes rồi mà còn chưa có nhiều sao?
- Chưa đủ, like đi, like đi ...

Nguyên nhân thực sự của ham muốn được like, được bình luận (comment) thiện trí dưới ảnh và những dòng trạng thái (status) của những người dùng facebook (facebooker) là gì?

Đó chính là "CẢM GIÁC ĐƯỢC THẤY MÌNH LÀ NGƯỜI QUAN TRỌNG"

  

  1. FACEBOOK THẢO MÃN ĐƯỢC "KHAO KHÁT" CỦA NGƯỜI DÙNG.


Đúng vậy, các tiện ích mà Facebook mang lại thực là chẳng hề ít.

Ai muốn tìm kiếm bạn bè cũ, bạn bè mới, facebook là công cụ hữu hiệu, nhanh chóng, và miễn phí cho nhu cầu này.

Ai muốn tán gẫu, thể hiện bản thân mình, học hỏi, tìm tới những hội, nhóm mà mình quan tâm, hiển nhiên Facebook đáp ứng rất tốt những mong muốn này.

Và những ai muốn làm kinh doanh, quảng bá sản phẩm, truyền bá văn hóa, cổ động, phát triển chiến lược và thu hút khách hàng, ... Facebook có thể giúp bạn!

Những mong muốn giao lưu, liên kết, chia sẻ, giao tiếp, học tập, làm việc, ... và ngay cả tìm kiếm bạn tình một đêm Facebook làm cũng rất tốt.

Không phải không có những công cụ khác giúp ta thỏa mãn mong muốn như Facebook làm được, nhưng chúng lại có những nhược điểm là khá rời rạc, không nhiều tiện ích cùng lúc như facebook mang lại, và sử dụng Facebook thì luôn MIỄN PHÍ.

2. AI CŨNG MUỐN MÌNH LÀ NGƯỜI QUAN TRỌNG - FACEBOOK CHO BẠN ĐIỀU NÀY.

Hầu hết mọi ước muốn (có sức khỏe tốt, cuộc sống bình an, ăn món ăn mình thích, đủ tiền bạc và tiện nghi vật chất, thỏa mãn đời sống tình dục, con cái khỏe mạnh và học giỏi, ... ) thường được thỏa mãn, chỉ trừ một điều, mà điều ấy cũng sâu sắc, cấp bách như thức ăn hay giấc ngủ nhưng lại ít được thỏa mãn. Đó là điều mà Freud gọi là "Sự khao khát được là người quan trọng" hay là "sự khao khát thể hiện mình"  mà Dewey có nhắc tới.

Tổng thống A. Lincoln viết "mọi người đều thích được khen ngời" còn William James thì tin rằng "Nguyên tắc sâu sắc nhất trong bản tính con người đó là sự thèm khát được tán thưởng".

(2 Đoạn được trích từ How to win friends and influence people - Dale Carnegie).

Có ai KHÔNG cảm thấy vui khi được nhiều người like ảnh, status của mình không? Có ai KHÔNG cảm thấy ấm áp khi thấy tên người quan trọng kia trong dòng thông báo có người ... thích, bình luận ảnh, status của bạn không?

Có ai KHÔNG cảm thấy vui khi tự dưng tìm được những người có cùng suy nghĩ, hay chí hướng với mình không?

Có ai KHÔNG cảm thấy vui khi nhiều người quen, mới quen hoặc chưa quen gửi tới bạn những lời chúc, những câu hỏi thăm có vẻ là chân thành không?

Có ai KHÔNG cảm thấy vui khi đang đi tìm cái gì đó mà lên Facebook vô tình tìm được không?

Etc...



Ai đó nói không thì tôi sẽ tin rằng người đó nói dối, hoặc là người đó sử dụng facebook để làm những chuyện "khác thường" mà không ai đoán được.


Thế cho nên, chẳng có gì khó hiểu khi có tơi 1/6 dân số toàn thế giới "NGHIỆN" facebook và thật không may rằng con số đó ngày càng tăng lên.

NGỐ.






Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

Ý NGHĨA MÂM NGŨ QUẢ - TỄU's BLOG.


 Ngày Tết, cho dù ở thành thị hay thôn quê, giàu sang hay nghèo khó, trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách, hầu như nhà nào cũng trưng một mâm ngũ quả, và cố thể hiện sao cho vừa đẹp mắt vừa hàm ý những điều ước nguyện của gia chủ.

Gọi là ngũ quả nhưng thật ra chẳng ai rõ quy định là những loại quả gì mà tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả để "thiết kế" mâm ngũ quả. 

Tuy nhiên, dù là loại quả gì, mâm ngũ quả vẫn mang một ý nghĩa chung: dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia sự. Mỗi loại quả đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định.
- Lê (hay mật phụ), ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
- Lựu, nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
- Đào thể hiện sự thăng tiến.
- Mai, do điển phiếu mai, con gái phải có chồng, hạnh phúc, không cô đơn.
- Phật thủ giống như bàn tay của Phật, chở che cho con người.
- Táo (loại trái to màu đỏ tươi) có nghĩa là phú quý.
- Hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
- Thanh long - ý rồng mây gặp hội.
- Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn
- Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy nắng sương đọng thành quả ngọt và che chở, bảo bọc.
- Quả trứng gà có hình trái đào tiên - lộc trời.
- Dừa có âm tương tự như là "vừa", có nghĩa là không thiếu.
- Sung gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.
- Đu đủ mang đến sự đầy đủ thịnh vượng.
- Xoài có âm na ná như là "xài", để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn.

Do trái cây ngày càng nhiều, loại nào cũng ngon, bổ nên để thể hiện cao nhất lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, đồng thời cũng nhằm thể hiển tính trình bày mỹ thuật trong con mắt thẩm mỹ độc đáo của nhân dân, nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, và người ta cũng không câu kệ cứng nhắc "ngũ quả" nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Nhiều hơn, nhưng người ta vẫn gọi là "mâm ngũ quả" và, dù đựng trong đĩa cũng vẫn gọi theo xưa là "mâm". Bởi đó là một “sản phẩm văn hóa” đã xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài, được khuôn đúc theo quan niệm về “bộ ngũ hoàn hảo”.

Tùy theo quan niệm của từng vùng, miền, người ta sử dụng những loại quả có ý nghĩa riêng. Ví dụ mâm ngũ quả của người Bắc bao giờ cũng có nải chuối - thể hiện sự che chở của đất trời cho con người, nhưng người Nam thì lại cho rằng từ chuối - có âm giống từ "chúi", thể hiện sự nguy khó, không ngẩng lên được nên không dùng. Hay người Nam cũng không trưng quả cam bởi câu "quýt làm cam chịu" nhưng mâm ngũ quả của người Bắc thì không thể thiếu quả cam với màu vỏ vàng tươi rói. Mâm ngũ quả của người Nam thường có các loại quả mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (theo câu "cầu vừa đủ xài sung"), thêm "chân đế" là 3 trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng. 

Trong khi với người Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày trên mâm ngũ quả, không kiêng cả quả ớt (cay đắng), miễn sao đẹp mắt và "hoành tráng" là được...
Trưng bày mâm ngũ quả trong những ngày thiêng liêng đầu năm đầu tháng mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa cội nguồn cực kỳ độc đáo của dân Việt ta. Vì vậy, những người trẻ, cho dù tin hay không tin về ý nghĩa của từng loại quả theo những quan niệm của người dân ở từng địa phương, cũng nên lưu tâm, tránh dùng hay tặng các loại quả mà người ta kiêng kẻo bị nghĩ oan, rằng ta cố tình đem điều xui xẻo đến cho họ.


Tại sao lại là ngũ quả?
 
Ngũ, con số 5 là con số chỉ trung tâm. Người ta tìm thấy nó ở ngăn giữa Lạc thư. Tự dạng chữ “ngũ” nguyên thể có hình chữ thập của bốn nguyên tố, cộng với điểm trung tâm. Sau này, hai vạch song song được chêm vào đấy, tức trời và đất mà giữa chúng, âm và dương tạo nên năm nguyên tố tương tác sinh khắc của vạn vật, gọi là ngũ hành. Theo quan niệm cổ đại phổ biến trong khu vực chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, thường cho rằng các quy luật phổ biến đều gộp vào con số 5. Trong Đại từ điển, “ngũ” có đến mười hai nghĩa và một ngàn một trăm bốn mươi tám từ kép ghép với nó. Phổ biến, chúng ta có ngũ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương), ngũ sắc, ngũ vị, ngũ âm, ngũ tạng, ngũ kim, ngũ quan, ngũ luân, ngũ cốc,… Như vậy, số 5 là biểu hiện chung của sự sống và ở đây “ngũ quả” tự nó biểu trưng một tập thành được coi là đầy đủ của loại lễ vật  dâng cúng là quả.

Đối với cư dân nông nghiệp ngũ cốc (đạo/nếp hương, lương/gạo, thúc/đậu, mạch/ lúa mì, tắc/kê) là lương thực chủ đạo và ngũ quả (trái cây nói chung) là thứ yếu. Do đó, theo Chiêm thư người ta thường quan sát sự tốt xấu của “ngũ quả” sau đây để dự đoán việc được mùa của ngũ cốc: 1) Mận chủ vào đậu; 2) Hạnh chủ về lúa mì; 3) Đào chủ vào tiểu mạch; 4) Lật (hạt dẻ) chủ vào nếp hương; 5) Tảo (táo) chủ vào lúa. Theo sự xác tín đã trở thành tập tục phổ biến trong dân gian nên có thể “ngũ quả” nêu trên là “chuẩn” của năm thứ quả dùng làm lễ vật bởi lẽ việc dâng lễ vật nào đều có thể là cách biểu thị sự cầu mong của người dâng lễ. Ở đây, đối với người nông dân thời cổ thì điều cầu mong lớn nhất là được mùa ngũ cốc.

Quả (trái) - biểu tượng của sung túc. Trái cây nói chung là biểu tượng của sự sung túc, dồi dào. Vì quả thường chứa nhiều hạt được đồng nhất với quả trứng vũ trụ, biểu tượng cho mọi nguồn gốc, mọi sự khởi nguyên; biểu trưng quả (với hạt bên trong của nó) biểu thị cho sự phồn thực, sinh sôi và khao khát sự bất tử-hiểu theo nghĩa là sự nối truyền dòng giống miên viễn. Theo chiều hướng này, quả bao gồm cả ý nghĩa biểu trưng vượt lên trên nhịp điệu sinh tồn của vạn vật: sự xen kẽ luân hồi của sự sống và cái chết; giữa cuộc sống dưới đất (của hạt giống) và cuộc sống dương thế… Trong văn hoá, cụ thể là trong văn học và nghệ thuật tạo hình, quả vừa là biểu trưng chung vừa là biểu trưng có ý nghĩa riêng - hoặc theo sự đồng âm của nó hoặc nó được xác định bởi các tình tiết văn học truyền kỳ, thần tiên…
Huỳnh Ngọc Trảng/SGTT

K.H (sưu tầm)

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

HALLYU QUYỀN LỰC MỀM - HÀN QUỐC

Khoảng 10 năm trở lại đây làn sóng Hallyu (Làn sóng Hàn Quốc) phát triển mạnh, lan truyền nhanh tới các nước Châu Á và hiện giờ đã ra toàn thế giới.

Sự thâm nhập của Điện ảnh Hàn Quốc mở màn cho làn sóng Hallyu với các bộ phim Truyền hình "kinh điển": Trái tim mùa thu, Nấc thang lên thiên đường, Bản tình ca mua đông ... Tiếp sau Điện ảnh phải nói tới Âm nhạc phổ thông (K-POP) và thời trang.

Truyền thông Hàn dường như có thỏa thuận ngầm với nhà cầm quyền để phát triển làn sóng Hallyu ra toàn thế giới. Bằng công nghệ PR (Public Relation), quảng cáo và Lăng-xê ..., họ đã và đang tạo ra các "thần tượng" có sức hút mạnh với công chúng, nhất là bộ phận giới trẻ, và độ tuổi thì ngày càng "nhỏ" đi.


                                                    (Xếp hàng chờ thần tượng)

 VÌ SAO LÀ QUYỀN LỰC MỀM?

Hallyu lan rộng với tốc độ "tên lửa" ra thế giới là một thành công của những người làm giải trí và hoạch định chiến lược quảng bá văn hóa Hàn.

Họ như "túm" được trái tim của triệu triệu người hâm mộ (Fan). Chỉ một lời hiệu triệu, một câu kêu gọi, hay chỉ là một "slogan" được tung ra trên truyền thông cũng có thể làm khuynh đảo tâm trí triệu người.

Hiển nhiên, quyền lực mềm được hiểu: "là cách nắm giữ, níu chân người hâm mộ của Hallyu trong việc thâm nhập, quảng bá sản phẩm giải trí và văn hóa Hàn", và tất nhiên Hallyu đã làm rất tốt điều này.



(Ngố - Thấy gì viết đấy).


Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

KHÔNG QUÁ 12 CHỮ CHO MỘT TÍT BÁO

Nhà báo: VŨ LAN HƯƠNG.



Tít của một bài báo không chỉ đơn thuần phản ánh nội dung chính của bài, mà quan trọng không kém là nó phải tạo ra một sức hút khó cưỡng để buộc người đọc phải tiếp tục theo dõi bai viết đó. Tít bài là cánh cửa để độc giả bước chân vào mỗi bài viết, nên người làm báo phải biết "trang trí" cho cánh cửa này mang tính "mời gọi".

Trong bộ phim SHIPPING NEWS, nhân vật chính là cây bút tập sự ở một tờ báo địa phương, có đoạn đối thoại với chủ bút như sau.

CB: Anh cần bắt đầu bằng việc sáng tạo Tít bài. Anh biết đấy: Những cái tít ngắn gọn, cuốn hút, kịch tính. Giờ thì hãy nhìn kìa (chỉ vào những mây đen đặc bao lấy bầu trời), anh thấy gì nào? Hãy cho tôi một cái tít.

PV: Chân trời phủ kín mây đen (Horizon fills with dark clouds?)

CB: Cơn bão sắp tới đe dọa ngôi làng (Imminent storm threatens village).

PV: Nhưng nếu cơn bão không tới thì sao?

CB: Ngôi làng thoaits khỏi trẫn bão chết người (Village Spared from deadly storm).

Đoạn đối thoại kinh điển này là một bài học kinh nghiệm cho việc đặt tít báo.

Một tít báo tốt cần đảm bảo các yêu cầu sau:

- Ngắn gọn, lý tưởng là dưới 12 chữ.
- Bao quát hoặc tóm tắt được nội dung bài viết, phù hợp với nội dung của bài.
- Nêu bật được yếu tố MỚI và HAY của bài viết.
- Độc đáo, thu hút ngay sự quan tâm của độc giả.
- Hạn chế viết tắt, dùng từ chuyên môn, TUYỆT ĐỐI không sai chính tả.

(Trích: HÀNH TRANG NGHỀ BÁO - EVJ GUIDEBOOK)

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

TẾT - LỄ TẤT NIÊN

Ngày cuối cùng trong năm, mọi việc to nhỏ đều phải làm cho xong để sửa xoạn đón giờ phát tiễn năm cũ, đón năm mới.

Trước hết phải soát lại bàn thờ, tiếp theo là dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa sạch đẹp. Thường thì trong nhà có bày cành đào, chậu quất.


Trong khi đó phải chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên. Lễ vật phải thơm ngon, đầy đặn, thanh khiết.


Trong lễ tất niên phải làm lễ rước các cụ, đèn cách:

- Rước không ra mộ: Bày cỗ lên bàn thờ, đèn hương dâng cúng vào trưa Ba mười (giờ chính Ngọ), rồi khấn vái, cầu mời các cụ về hưởng dự.

- Chiều ngày 30, gia chủ cùng vài người ra mọ, dọn dẹp sạch cỏ, đắp lạ mộ cho cao, rồi đốt hương, khấn mời tổ tiên về nhà đón tết cùng con cháu.

Cùng lúc với việc cúng gia tiên con cháu đào hố trồng cây nêu ngay trước sân nhà.

Văn khấn lễ tất niên:

Ngày ... tháng ... năm ...
Tại: thôn ... xã ... huyện ... tỉnh ...
Tín chủ con là ... vâng lệnh mẹ và các chú, cùng với chị ruộtm anh rể và các em trai gái dâu rể, con cháu nội ngoại toàn gia kính bái.

Nay nhân ngày ...
Kính cẩn sắm mtọ lễ gồm ... gọi là lễ mọn lòng thành kính dâng lên:

Đông trù tư mệnh táo hủ thần quân, bản gia tiên sư bản viên thổ công, liệt vị tôn thần.
Trước linh vị của ...
Và các vị tổ bá, tổ thúc, tổ công, cùng các vong linh phụ thờ theo tiên tổ.
Kính cẩn thưa rằng: Năm cũ sắp hết, ngày Tết tới gần, chuẩn bị mừng xuân.
Kính cáo: thổ, địa, chư vị linh thần
Kính mời: Vong linh tiên tỏ về với gia đình để con cháu phụng sự.


Sau khi rước các cụ về nhà, đợi cháy hết tuần hương, cổ cúng được hạ xuống, cả nhà quần tụ xung quanh mâm cơm tất niên vui vẻ và trịnh trọng. Điều quan trọng là mọi thành viên trong gia đình hàn huyên mọi chuyện vui buồn xảy ra trong năm, hơn nữa, bàn cách giúp đỡ nhau trong việc làm ăn sắp tới ...

Làm lễ vào ngày 30 tết.

(Trích: Phong tục tập quán Việt Nam - Vũ Mai Thùy biên soạn - NXB Văn hóa thông tin).

NGỐ sưu tập!